Hoang mang với sự cố ngoài ý muốn
Liên tiếp các vụ ô tô và xe máy cháy, nổ gây hoang mang cho dư luận. Do không thể ngồi một chỗ chờ đợi quyết định từ phía các cơ quan chức năng, người dân đã tự bảo vệ mình trước những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Thời gian gần đây, một số chủ phương tiện đã lắp thiết bị chống cháy tự động cho xe. Bên cạnh đó nhiều chủ xe đã lựa chọn cho mình phương án trang bị bình cứu hỏa mini cho xe của mình.
Chúng tôi đã có cuộc khảo sát thị trường bình chữa cháy mini tại Hà Nội. Tại đường Phan Chu Trinh, theo chủ cơ sở bán bình phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại đây cho biết: Bình chữa cháy mini được nhiều người tiêu dùng quan tâm bởi thời gian qua báo chí đã đưa khá nhiều thông tin về hiện tượng ôtô, xe máy bị cháy. Do các loại bình chữa cháy mini hiện nay có kích thước khá nhỏ gọn, loại nhỏ nhất chỉ cao hơn 20cm, dung tích nhỏ gọn như bình xịt côn trùng nên tiện lợi, giá chỉ khoảng 130.000đ.
Tham khảo tại các cửa hàng bán các thiết bị PCCC trên đường Giải Phóng có rất nhiều bình chữa cháy với đủ loại từ bình khí CO2, bình bột MFZ với các kích cỡ khác nhau. Xuất xứ cũng nhiều nơi, từ hàng Nhật, Ý và nhiều nhất là hàng Đài Loan, Trung Quốc với giá từ 140.000 – 500.000 đồng/bình.
Theo anh Long, chủ cửa hàng bán đồ PCCC tại đường Trường Trinh cho biết; loại bình dùng cho xe ôtô là bình dạng bột, loại 0,5 - 1kg, giá dao động trong khoảng 120.000 - 150.000đ/bình. Loại bình khí nhỏ này trước đây công ty anh chỉ cung cấp chủ yếu cho xe ôtô, nhưng thời gian vừa qua thấy cả người dân đi xe gắn máy cũng tới mua về gắn vào xe phòng chữa cháy.
Bình loại 400ml chỉ phụt được khoảng từ 5 đến 8 giây
Không chỉ các cửa hàng kinh doanh mà những ngày gần đây, truy cập vào một số trang web mua bán điện tử như: chodientu, pcccviet.com hoặc các forum dành cho các thành viên chơi xe cũng dễ bắt gặp những mẫu quảng cáo hoặc chủ đề bàn luận về bình chữa cháy mini.
Theo quan sát của phóng viên, bình chữa cháy mini tại Hà Nội hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt. Ngoài ra, bình cũng không nói rõ dung tích bột hay khí chứa trong đó bao nhiêu. Nhưng trọng lượng chung cho cả vỏ chỉ hơn 600g, ước tính dung tích thực chỉ khoảng vài trăm gram. Bình cứu hỏa dạng khí thường đắt hơn so với bình dạng bột bởi loại bình này dễ bảo quản, bảo quản được lâu hơn so với bình bọt (bình bột dễ bị vón cục, nên thi thoảng phải lắc cho không vón cục và chỉ để được khoảng 2 năm).
Bình chữa cháy mini nhỏ gọn, tiện lợi khi trang bị trên xe ôtô
Theo thượng tá Trần Quang Cường - Phó trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy chữa cháy (sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội) - cho biết, hiện trên thị trường có rất nhiều loại bình chữa cháy mini, người tiêu dùng khi mua phải cẩn trọng chú ý xuất xứ, tem chống hàng giả hoặc tem kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng bởi khi chữa cháy, nếu mua phải bình kém chất lượng thì hậu quả có thể nghiêm trọng hơn. “Ở gần các cơ sở phòng cháy chữa cháy luôn có cửa hàng giới thiệu sản phẩm đảm bảo, hướng dẫn sử dụng chu đáo”.
Thượng tá Cường cho hay, chính ông và người thân cũng dùng bình chữa cháy trong xe, mặc dù theo ông Cường, với xe máy, nếu để trong cốp xe thì hiệu quả không cao. “Vì khi đám cháy phát ra người sử dụng không đủ thời gian để mở cốp, nhưng hiệu quả nhất là giúp cho người khác khi gặp cháy xe. Tôi từng biết ở Hà Nội có người đã nhờ bình chữa cháy mini mà giúp cho người bị nạn dập được một vụ cháy ôtô”.
Cũng theo ông Cường; “Nếu gặp trường hợp xe bị cháy, người sử dụng cần phải hết sức bình tĩnh, lấy bình cứu hỏa ra, phun liên tục (không được ngắt quãng) vào điểm cháy (nơi phát sinh đám cháy chứ không phải phun vào ngọn lửa). Lưu ý là mỗi bình loại 400ml chỉ phụt được khoảng từ 5 đến 8 giây nên nếu phụt không đúng điểm cháy sẽ không có hiệu quả.”
Nên chọn bình có dung tích 1kg trở lên
Ở quan điểm khác, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, bản thân bình C02 là khí trơ không cháy, vỏ làm bằng thép cứng chịu lực lớn. Khi dùng cũng có những hiệu ứng nhất định nhưng thường là bình có dung tích từ 1kg trở lên.
Những sự bất tiện thể hiện ở chỗ, khi xe bốc cháy hay chỉ là mới đánh lửa thì phản xạ đầu tiên của người lái chắc chắn là nhảy ra khỏi xe nên khó có thể rút khóa xe và mở cốp lấy bình chữa cháy. Trường hợp không phản xạ kịp bình có thể nóng và giãn nở, tạo thành lực phun bọt khí cũng có tác dụng nhiều trong việc giảm bớt sự cháy. Nhưng cũng đề phòng xác suất rủi ro đó là các nút đầu van có thể bắn ra xung quanh với một lực rất mạnh gây nguy hiểm cho người gần đó.
Đối với các loại xe ô tô, yêu cầu bắt buộc và cũng là nguyên tắc là phải có bình chữa cháy trên xe, đặt ngay dưới cần lái. Nếu có sự cố người tài xế chỉ giật nhẹ là lấy được bình. Hiện nay một số xe du lịch hay 4 chỗ không trang bị thiết bị này thì đó là ý thức của người sử dụng xe và còn là sự bất cẩn của cơ quan quản lý kiểm định.